Ở bài viết này quý vị cùng Amuni sẽ tìm hiểu Sự tích Đức Phật Bất Động A Súc Bệ Như Lai trong Phật Giáo, A Súc Bệ Như Lai (Akshobhya) hay Đức Phật Bất Động là một trong năm vị Phật trong Ngũ Phương Phật hay Ngũ Trí Như Lai. Cùng với các Đức Phật còn lại là:
- Đại Nhật Như Lai – Tỳ Lô Giá Na Như Lai – Vairocana
- Phật A Di Đà – A Di Đà Như Lai – Amitabha
- Phật Bảo Sinh – Bảo Sanh Như Lai – Ratnasambhava
- Bất Không Thành Tựu Như Lai – Amoghasiddhi.
Mục lục
ToggleI, Đông Phương Thế Giới A Súc Bệ Như Lai là ai?
A Súc Bệ Như Lai (Akshobhya) hay Đức Phật Bất Động là một trong năm vị Phật trong Ngũ Trí Như Lai.
Phật Bất Động A Súc Bệ Như Lai tượng trưng Thức uẩn đã chuyển thành Đại Viên Cảnh Trí.
Đức Phật A Súc Bệ Như Lai (Akshobhya) rất được tôn thờ trong Kim Cương thừa và trong Phật Giáo Đại thừa. Theo kinh A Súc Độ thì Tịnh độ của Ngài là Diệu Hỷ quốc ở phía Đông của thế giới Ta Bà.
Trong Ngũ Trí Như Lai, Đức Bất Động Phật A Súc Bệ sẽ xuất hiện nếu chúng ta không nhận ra Đức Đại Nhật Như Lai là Phật.
II, Nguồn gốc tên gọi của Phật A Súc Bệ
Khi còn là Bồ-tát, ngài đã phát nguyện trước Đức Đại Mục Như Lai rằng sẽ không nổi tâm sân hận với nhân loại và cả côn trùng nhỏ bé nên mới được gọi là A-súc-bệ (Bất Phẫn Nộ/ Bất Động).
Phẩm Phát Ý Thọ Tuệ, A-súc Phật Quốc Kinh chép lại lời thọ kí rằng:
“Này Xá-lợi-phất! Vị Tì-kheo đó đã chuẩn bị áo giáp Tứ hoằng đại nguyện, là Đại Bồ-tát mới phát khởi ý ấy, cho nên đối với tất cả nhân loại, loài côn trùng nhỏ bé không có tâm sân hận, cũng không có hận thù.
Xá-lợi-phất! Vị Bồ-tát khi ấy vì không còn sân hận nên mới gọi là A-súc vì không còn hận thù nên trụ nơi đất A-súc. Đức Đại Mục Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chính Giác cũng hoan hỷ gọi tên này. Tứ Thiên Vương cũng hoan hỷ gọi tên ấy, trời Đế Thích và Phạm Tam Bát cũng hoan hỷ gọi tên ấy…”
III, Các đại nguyện của Bồ Tát A Súc Bệ:
Đức Bồ Tát A Súc Bệ phát tâm những đại nguyện trước Đức Đại Mục Như Lai rằng:
1 – Không khởi sân hận với tất cả nhân loại và loài côn trùng nhỏ nhiệm. Không cầu Thanh Văn Đạo, Duyên Giác Đạo. Không khởi ý niệm dâm dục. Không nghĩ nhớ đến ngủ nghỉ và có các niệm tưởng do dự. Không có ý niệm hồ nghi.
2 – Không khởi ý niệm sát sinh, trộm cắp tiền bạc, vật dụng người khác. Không khởi ý niệm phi phạm hạnh, không khởi ý niệm nói dối, không khởi ý niệm hối hận.
3 – Không khởi niệm ý niệm mắng chửi, ác khẩu, nói lời thêu dệt. Không ngu si, không khởi ý niệm tà kiến.
4 – Phụng hành lời phát nguyện trên, phát tâm cầu Nhất thiết chủng trí, gìn giữ giới luật.
5 – Thuyết pháp cho người, đời đời làm pháp sư, nói điều có hạnh cao minh, không bị chướng ngại. Có trí vô lượng cao minh, làm sa-môn thường thành hạnh khất thực.
6 – Làm sa-môn thường ngồi dưới gốc cây, tinh tấn thực hành ba việc: kinh hành, tọa thiền, an trụ. Không phát ý niệm tính tội, vọng ngữ dối trá người, nói lời phỉ báng dua nịnh, vì lý do ăn uống. Không khởi ý tưởng cười cợt để thuyết pháp.
7 – Gặp các Bồ-tát phát tâm Phật, không phát sinh ý niệm cúng dàng người ngoại đạo, xa lìa chư Như Lai; không ngồi trên tòa cao nghe pháp.
8 – Không khởi ý niệm: “Ta sẽ (không) bố thí cho ai.”, “Ta sẽ ở nơi nào (không) lập phước thí.”, “Ta thường đem pháp (không) bố thí cho ai. Gặp người nghèo khổ, cô độc thì phân chia thân mạng cho người đó.
9 – Luôn ở nơi ý nguyện Bồ tát đến khi thành đạo, giác ngộ cao tột.
10 – Quốc độ không có tứ chúng phạm tội ác, tội xấu gièm pha. Chúng đệ tử không có tội ác, cõi Phật nghiêm tịnh.
11 – Không thất tinh trong mộng.
12 – Không còn người mẹ bất tịnh.
13 – Nếu không thoái chuyển thì dùng ngón tay phải ấn xuống sẽ làm cho đất bị chấn động mạnh.
Sau khi phát xong các lời đại nguyện, đức Đại Mục Như Lai thụ kí cho Bồ-tát sẽ đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu là A Súc Bệ Như Lai.
IV, Hình tướng và Ý nghĩa thờ tượng A Súc Bệ Như Lai:
1, Hình tướng A Súc Bệ Như Lai:
Đức Bất Động Phật A Súc Bệ an trụ trên bảo tòa được tám Tượng vương nâng đỡ.
Thân Ngài sắc xanh dương, an tọa trong tư thế kim cương.
Tay phải Ngài kết ấn Xúc địa, tay trái trong tư thế thiền định, trì giữ Chày Kim Cương năm chẽ.
Ngài được trang hoàng bằng trang sức báo thân. Ngài hiện thân trong sắc tướng như vậy giống như trí tuệ bản lai Đại viên cảnh trí đã nằm sẵn trong tâm chúng ta.
2, Ý Nghĩa thờ tượng A Súc Bệ Như Lai:
Đức A Súc Bệ Phật có thân sắc xanh dương tượng trưng cho Thủy đại, và nước cũng có khả năng phản chiếu như một chiếc gương.
Biểu tượng của Ngài là chày Kim Cương, tượng trưng cho cảnh giới giác ngộ, tính Phật sẵn có nơi mỗi người không thể phá hủy, không thể chia cắt, bất động và bất biến.
Ngài là hiện thân của tâm sân giận đã hoàn toàn được tịnh hóa. Sân giận là cảm xúc mãnh liệt thúc đẩy sự đối nghịch với những đối tượng mà ta không thích.
Khi cơn tức giận nổi lên, chúng ta thường có những lời nói hoặc hành động nghiệt ngã làm đau lòng hoặc tổn thương người khác.
Tuy vậy, tự tính thanh tịnh của trạng thái giận dữ đó thực ra chính là A Súc Bệ Phật. Sự tức giận khi được tịnh hóa và nhận biết sẽ trở thành Đại Viên Cảnh Trí.
Với trí tuệ này, chúng ta có thể nhìn thấy bản chất thật của mọi thứ một cách khách quan, không giả tạo.
Bất kể đối tượng là một bông hồng đỏ thắm hay một con dao găm nhuốm máu, chiếc gương trí tuệ này sẽ phản chiếu cả hai theo bản chất vốn có của chúng, không phán xét hay phân biệt hai màu đỏ, không cố gắng khen ngợi bông hồng hay quy kết chối bỏ con dao đầy máu, không khước từ và không bám chấp.
Chiếc gương luôn giữ được vẻ điềm tĩnh, bất biến. Tâm chúng ta cũng nên như vậy cho dù ở trong hoàn cảnh thuận lợi hay bất lợi.
V, A Súc bệ Như Lai và Phật Dược Sư:
Chúng ta cần nhắc lại về Tam Thế Phật trong quan điểm Phật Giáo Đại Thừa. Hai hình tượng Tam Thế Phật được biết đến nhiều nhất hiện nay
Trước tiên, chữ Thế trong Tam Thế có thể hiểu là Thời. Vậy Tam Thế Phật nghĩa là Phật 3 thời: quá khứ, hiện tại và vị lai.
Nói rộng ra theo nghĩa này thì Tam Thế Phật nghĩa là vô lượng vô biên vô số chư Phật mười phương.
Thứ hai, chữ Thế ở đây còn có thể hiểu là Thế giới. Thế giới trong Đạo Phật gồm có:
- Phương Đông là thế giới Tịnh Lưu Ly của Phật Dược Sư hay A Súc Bệ Phật
- Phương Tây là thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà
- Trung tâm là thế giới Ta Bà của Phật Thích Ca Mâu Ni…
Chiếu theo trường nghĩa này, Tam Thế Phật chính là không gian vô lượng của thế giới chư Phật từ Đông sang Tây, từ phải sang trái, từ trên xuống dưới,… vô lượng vô biên vô số quốc độ Phật như thế.
Như đã nói, Phật giáo Đại Thừa và Kim Cương Thừa của Phật Giáo Mật Tông còn thờ tụng hình ảnh Ngũ Phương Phật hay Ngũ Trí Như Lai gồm:
- Trung ương thế giới Tỳ Lô Giá Na Phật
- Đông phương thế giới A Súc Bệ Phật
- Nam phương thế giới Bảo Sanh Phật
- Tây phương thế giới A Di Đà Phật
- Bắc phương thế giới Bất Không Thành Tựu Phật
Như vậy, A Súc Bệ Phật và Phật Dược Sư là hình tướng và tên gọi khác nhau của Đức Phật A Súc Bệ. Ngài Ngự trị ở Đông Phương Thế Giới hay Phía Đông cõi Ta Bà nơi chúng ta đang sống.
VI, Thần chú Đức Phật A Súc Bệ:
Amuni đã nghiên cứu trong Ngũ Bộ của Chú Lăng Nghiêm, thì ở phía Đông là Kim Cang Bộ. Chú Kim Cang Vương là sử dụng chiết phục pháp, tức là dùng phương pháp thuần hóa và chế ngự.
Việc ưu tiên hàng đầu và tối quan trọng của những người tu hành là hàng phục và kiềm chế được phiền não hiện hành của chính mình, chứ không phải đi chiết phục người khác
Trì tụng thần chú Chân ngôn của Phật A Súc Bệ sẽ giúp phát tâm bồ đề chẳng tức giận, không có phẫn nộ. (Bất Động Phật)
Thần Chú Chân Ngôn Đà Ra Ni bằng chữ Tây Tạng và tiếng Phạn:
ན་མོ་རཏྣ་ཏྲ་ཡྰ་ཡ། ཨོཾ་ཀཾ་ཀ་ནི་ཀཾ་ཀ་ནི།
རོ་ཙ་ནི་རོ་ཙ་ནི་
ཏྲོ་ཊ་ནི་ཏྲོ་ཊ་ནི། ཏྲོ་ས་ནི་ཏྲོ་ས་ནི།
པྲ་ཏུ་ཧ་ན་པྲ་ཏུ་ཧ་ན།
སརྦ་ཀརྨ་པ་རཾ་པ་ར་རཱ་ནིམེསརྦ་སཏྭྰ་ནཱཞྩ་སྭྰཧྰ།
Namo Bhagavate Akṣhobhāya, Tathāgatāyārhate Saṃyaksaṃbuddhyāya. Tadyathā: Oṃ Kaṃkani Kaṃkani, Rotsani Rotsani, Troṭani Troṭani, Trāsani Trāsani, Pratihana Pratihana, Sarva Karma Paraṃparāṇime Sarva Sattvānañcha Svāhā
Phiên Âm Việt:
Nam Mô, Ba Ga Vá Tê, Ắc Sô Ba Da, Thát Tà Ga Tê, O Há Tê, Săm Dắt Săm Bu Đà Dà, Thát Da Ta: Ốm, Khầm Khanh Ni, Khầm Khanh Ni, Rột San Ni, Rột San Ni, Trồ Tan Nì, Trồ Tan Nì, Trà San Ni, Trà San Ni, Phá Tì Han Nà, Phá Tì Han Nà, Soa Và, Khoa Mà, Poa Rằm Poa Rà Ni Mề, Soa Và, Xach Va Nan Trà, Sô Hà
Khi còn ở Nhân Địa thời thọ nhận sự khải phát của Đức Đại Mục Như Lai nên phát khởi Thệ Nguyện: “Đối với tất cả chúng sinh chẳng khởi sự tức giận” mà được tên gọi là A Súc.
A Súc tức là ý nghĩ: chẳng tức giận, không có phẫn nộ. Do đó có tên gọi là Bất Động hoặc Vô Động. Như thế có Mật Hiệu là Bất Động Kim Cương. Bất Động này là chỉ sự chẳng động của thân, sự chẳng động của tâm đối với tất cả. Sự chẳng động của Tâm (tâm bất động) chỉ Tâm chẳng thọ nhận nơi dao động của tạp nhiễm, chẳng bị lay động bởi tám loại gió (bát phong); khi mới phát tâm, trong lý Nhân Duyên chẳng bị lay động bởi Tâm sân (giận dữ).